“Đa năng – Đa nhiệm” – Kỹ năng cần có giúp Nhân viên bán hàng trở thành Quản lý

Khách hàng tất nhiên không chỉ có một người, việc của nhân viên bán hàng đó chính là chăm sóc nhiều khách hàng. Ngoài ra nhân viên bán hàng không chỉ có đứng bán hàng và tư vấn sản phẩm, có thể phải làm cả thu ngân hoặc trưng bày hàng hóa hay trông coi hàng hóa trong cửa hàng. Chính vì vậy bạn cần là người nhanh nhẹn, có khả năng đa nhiệm, làm tốt nhiều việc cùng một lúc. Trong quá trình làm việc, khối lượng công việc đôi khi sẽ buộc chúng ta phải “Bật chế độ” Đa năng đa nhiệm. Vậy khi đối mặt với yêu cầu đó, chúng ta phải chuẩn bị những gì để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ?


1. Suy nghĩ tích cực.(Positive thinking)

Trong công việc, chúng ta thường hay cảm thấy không hài lòng khi được yêu cầu làm các phần việc ngoài chức năng nhiệm vụ của mình, ví dụ bạn làm nhân viên bán hàng, nhưng được yêu cầu làm thêm thu ngân, các công việc dọn dẹp cửa hàng,… Tại sao mình lại phải làm những công việc đó, mà không phải là người khác? Hãy suy nghĩ tích cực, điều này sẽ khiến tâm lý bạn thoải mái.Bởi khi bạn được giao thêm những phần việc mới, có nghĩa là:
Trust – Sự tin tưởng: Bạn là người tạo ra sự tin tưởng rằng sẽ có thể hoàn thành tốt công việc.
Opportunity – Cơ hội: Bạn được học hỏi, rèn luyện bản thân
Outstanding – Nổi bật: Bạn được chứng minh khả năng của mình.

2. Lập kế hoạch cho bản thân (Planning)

Bộ não của con người chỉ có thể thực hiện 1 nhiệm vụ trong 1 thời điểm. Bộ não tập trung làm việc này, sau đó mới chuyển sang làm việc khác. Theo nghiên cứu, thì bộ não cần trung bình 10 – 15 phút để làm quen với công việc mới & đạt trạng thái tập trung. Đây là lý do vì sao bạn không thể học thuộc bài khi vừa học vừa chờ tin nhắn của Crush và các vụ tai nạn hay xảy ra khi vừa lái xe và vừa nghe điện thoại!

Vì vậy, hãy lập danh sách thứ tự ưu tiên công việc mà bạn cần phải làm trong ngày, và sắp xếp chúng theo thứ tự quan trọng khác nhau:
Mức 1: Quan trọng & Gấp – Làm ngay
Mức 2: Quan trọng & Không gấp – Chia nhỏ ra nhiều khoảng thời gian trong ngày.
Mức 3: Không quan trọng & Gấp – Cân nhắc khả năng của bản thân hoặc yêu cầu sự hỗ trợ
Mức 4: Không quan trọng & Không gấp – Thực hiện khi có thời gian trống
Hãy nghiêm túc thực hiện kế hoạch của bản thân & linh hoạt trong mọi tình huống, vì trong ngày sẽ có những công việc “Quan trọng & Gấp” có thể phát sinh bất cứ lúc nào.

3. Tập trung (Concentrate)

Hãy cắt giảm các tác nhân khiến bạn trở nên phân tâm như tin nhắn của Crush, thói quen “hóng biến” và tập trung tối đa cho công việc hiện tại. Điều này sẽ giúp bạn chuyên nghiệp hơn mỗi ngày.

4. Quản lý thời gian (Time management)

Hãy sắm một chiếc đồng hồ đeo tay, không phải để trông “ngầu” hơn đâu, mà để làm chủ thời gian của bản thân & kiểm soát thời gian hoàn thành công việc, đối chiếu với danh sách công việc bạn càn làm trong ngày để biết mình cần làm gì tiếp theo. Vừa làm, căn giờ, bạn sẽ sớm xây dựng được một bộ khung thời gian phù hợp nhất với mình, không có thời gian chết hay thiếu thời gian hoàn thành mục tiêu.Và sau tất cả, kinh nghiệm là thứ quý giá nhất mà bạn sẽ nhận được sau một quá trình rèn luyện và trải nghiệm một cách nghiêm túc.

Đây cũng là lúc những cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến sẽ rộng mở ra với bạn, khi chẳng có lý do gì để từ chối một bạn nhân viên có khả năng đảm nhiệm tốt nhiều vị trí công việc, đúng không?